
Doanh nhân Việt Nam và Nga sẵn sàng đầu tư vào nhau trên cơ sở mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa hai nước
Chiều 1/12 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Moscow, Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Liên bang Nga.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga.
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông báo tới các doanh nghiệp, doanh nhân hai nước về cuộc hội đàm ngày hôm qua với Tổng thống Nga Putin kéo dài gần 4 tiếng để vạch ra phương hướng đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển, đi vào chiều sâu. Được tập trung thảo luận nhiều nhất là vấn đề về thương mại, đầu tư, phát triển giữa hai nước.
"Việt Nam - Nga có quan hệ truyền thống rất tốt, tin tưởng lẫn nhau... thế nhưng kim ngạch hai chiều còn thấp, mới đạt trên 5 tỷ USD. Số các dự án đầu tư còn ít với 150 dự án, tổng mức đầu tư 150 tỷ USD", Chủ tịch nước đánh giá. Ông cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp cần trao đổi, các bộ ngành hai nước cần tạo điều kiện cho thương mại đầu tư trong thời gian tới, phối hợp giải quyết những vướng mắc để xứng đáng với quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga.
Chủ tịch nước cũng cho biết bên cạnh một số dự án tốt Nga đang triển khai thì vẫn có dự án vẫn còn vướng mắc, thực hiện chậm trễ. Chính vì thế, tại diễn đàn, Chủ tịch nước kêu gọi các doanh nghiệp Nga hợp tác chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nga cũng sẽ được hưởng rất nhiều cơ hội khác khi tới làm ăn ở Việt Nam vì Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại, trong đó có nhiều hiệp định quy mô lớn, tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU.
Việt Nam không chỉ đơn thuần thu hút vốn đầu tư FDI mà còn hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường... Cho nên, các dự án đầu tư vào Việt Nam đều được chọn lọc, ưu tiên các dự án khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tuy Việt Nam gặp một số khó khăn do ảnh hưởng đại dịch nhưng kinh tế vẫn phát triển, tăng trưởng đạt trên 4,5%, kim ngạch hai chiều trên 600 tỷ USD, xuất siêu liên tục, là nền kinh tế lớn thứ 3 trong ASEAN. Chủ tịch nước cho biết điều đó nói lên kinh tế Việt Nam ổn định, lạm phát thấp. Việt Nam cũng được đánh giá là 1 trong 20 nền kinh tế thu hút đầu tư thành công.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga. (Ảnh: TTXVN)
Gợi mở một số định hướng, Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò của Uỷ ban liên chính phủ hai nước trong phối hợp, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp hai bên. Việt Nam sẽ đề nghị với Nga để sửa đổi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại đầu tư. Cơ quan hữu quan hai nước cũng cần khuyến khích các dòng chảy thương mại, đầu tư, phát huy thế mạnh mỗi nước; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp khảo sát, tìm kiếm thị trường...
"Các bạn hãy tin tưởng rằng ở Việt Nam chính trị, xã hội, kinh tế ổn định. Việt Nam sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng thuận lợi cho đầu tư phát triển", Chủ tịch nước nói. Ông khẳng định, Việt Nam sẽ tạo chính sách ổn định, tính dự báo cao, thực thi minh bạch.
"Chúng tôi coi doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam không chỉ là nhà đầu tư quốc tế mà còn là những người bạn thân tình. Mọi thành công của các bạn cũng là mong mỏi, niềm tự hào của chúng tôi. Các bạn chính là những viên gạch quý đóng góp vào tình hữu nghị truyền thống hai nước", Chủ tịch nước bày tỏ.
Phát biểu tại tọa đàm, doanh nhân hai nước bày tỏ sẵn sàng đầu tư vào nhau trên cơ sở mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Việt Nam và Liên bang Nga cũng như những cơ hội và cơ chế ưu đãi đầu tư của mỗi nước.
Tại tọa đàm, ông Alexander Shokhin, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Doanh nhân Nga, cho rằng các doanh nghiệp Nga và Việt Nam cần khai thác thế mạnh của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, bởi đây chính là hiệp định đầu tiên mà Liên minh ký với bên ngoài.
Ông Alexander Shokhin bày tỏ vui mừng vì Tuyên bố chung hai nước trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến hợp tác kinh tế; mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp hai nước. Ông Alexander Shokhin cũng cho biết doanh nghiệp của Nga rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là sử dụng các ưu thế hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với Liên minh kinh tế Á - Âu.
Một số hình ảnh lễ ký nhiều văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức của Việt Nam – Liên bang Nga:

Chủ tịch nước chứng kiến lễ ký kết giữa Liên đoàn cờ thế giới (FIDE) với Liên đoàn cờ Việt Nam (VCF) và HDBank đồng hành cùng giải cờ vua quốc tế trong 1 thập kỷ tới.

Thỏa thuận giữa RDIF, Sovico và Vabiotech về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik.

Công ty TNHH Thương mại và dich vụ phát triển EPSI ký hợp đồng độc quyền “Sơn cách nhiệt Bronya” với Trung tâm phát triển và sáng tạo “Innoprom” (Tổ chức phi lợi nhuận tại Liên bang Nga).

Các cơ quan, tổ chức của Việt Nam – Liên bang Nga chụp hình lưu niệm.